Hôm qua 22.12,ĐẩygiádầubấtthànhOPECchơidaođứfcb8 truyền thông quốc tế dẫn lời Bộ trưởng Dầu mỏ Angola Diamantino Azevedo cho biết OPEC không còn phục vụ lợi ích của Angola. Vì thế, nước này quyết định nối bước Ecuador và Qatar rời khỏi OPEC. Phía OPEC chưa đưa ra phản hồi về quyết định của Angola.
Cuộc chơi thiếu đồng thuận
Sau khi Angola chính thức rời khỏi OPEC thì nhóm này còn lại 12 thành viên. Hiện tại, tổng sản lượng khai thác dầu của OPEC vào khoảng 28 triệu thùng/ngày, trong đó Angola chiếm khoảng 1,1 triệu thùng/ngày. Về mặt sản lượng thì nước này chiếm tỷ lệ không đáng kể so với cả nhóm, nhưng việc Angola rời khỏi OPEC một lần nữa cho thấy nhóm này đang rất thiếu sự đồng thuận trong chiến lược chung là giảm sản lượng cùng một số đối tác nhằm giữ giá dầu ở mức cao để thu được lợi nhuận cao hơn.
Việc Angola tuyên bố rời khỏi OPEC vì nước này không thể tiếp tục thực hiện theo kế hoạch cắt giảm sản lượng. Thế nhưng, chiến lược vừa nêu vốn có sự chia rẽ trong chính nội bộ của OPEC, khi thành viên dẫn đầu OPEC là Ả Rập Xê Út từng tranh cãi quyết liệt với một thành viên khác trong nhóm là UAE, mà nguyên nhân cũng đến từ hạn ngạch khai thác khi cắt giảm. Cụ thể, trong kế hoạch phân bổ hạn ngạch vào năm 2021, UAE yêu cầu nước này phải được khai thác 3,8 triệu thùng/ngày chứ không phải chỉ 3,2 triệu thùng/ngày. Điều đó khiến Ả Rập Xê Út và UAE tranh cãi quyết liệt rồi chốt hạ con số là 3,65 triệu thùng/ngày. Một số thành viên khác của OPEC cũng thể hiện sự không đồng thuận về hạn ngạch cắt giảm mà OPEC+ đưa ra.
Thêm vào đó, chiến lược cắt giảm sản lượng của OPEC còn chịu sự chỉ trích quyết liệt từ phía Mỹ vì gây hạn chế nguồn cung, đặc biệt trong giai đoạn nửa cuối năm 2022 khi thị trường năng lượng toàn cầu bị ảnh hưởng đáng kể bởi việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine.
Không như ý
Tính từ tháng 8.2022, OPEC+ luôn giữ ở mức cắt giảm khoảng 3,66 triệu thùng/ngày, bao gồm 2 triệu thùng nằm trong thỏa thuận chung và 1,66 triệu thùng cắt giảm từ 9 nước khác trong OPEC+.
Thế nhưng, bất chấp nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC+, sau khi tăng cao trong một thời gian ngắn - do Nga tiến hành chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine, giá dầu đã nhanh chóng hạ nhiệt và rơi vào xu hướng giảm trong năm 2023. Kết quả, theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), nguồn thu xuất khẩu dầu mỏ của OPEC năm 2023 còn 681 tỉ USD, giảm đáng kể so với mức 888 tỉ USD của năm 2022 và chỉ ngang với mức năm 2019 - trước đại dịch Covid-19.
Do nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ giảm sút gần đây và tình trạng này đã xảy ra từ trước đại dịch khiến cho những quốc gia vốn dĩ sản lượng dầu mỏ ở mức thấp như Angola càng trở nên khó khăn, thiếu nguồn lực để mở rộng khai thác. Trong khi đó, xuất khẩu dầu mỏ là nguồn thu quan trọng của nền kinh tế Angola cũng như một số thành viên châu Phi khác của OPEC, nên tình hình kinh tế không đủ sức để theo đuổi việc cắt giảm sản lượng khai thác.
Viễn cảnh ảm đạm
Trong khi đó, giá dầu Brent hiện chỉ khoảng 75 USD/thùng, ngang với giai đoạn năm 2019. Không những vậy, CNN vừa dẫn đánh giá từ Goldman Sachs cắt giảm 12% đối với dự báo giá dầu trung bình trong năm tới. Cụ thể, Goldman Sachs dự đoán giá dầu Brent sẽ đạt trung bình 81 USD/thùng vào năm 2024, mức dự báo này giảm đáng kể so với ước tính trước đó là 92 USD/thùng.
Tập đoàn tài chính này dự báo giá dầu Brent sẽ đạt đỉnh của năm 2024 ở mức 85 USD/thùng vào tháng 6. Theo đó, "lý do chính" dẫn đến sự thay đổi dự báo trên là do sự gia tăng khai thác ở Mỹ. Theo EIA, dự kiến sản lượng dầu thô Mỹ đạt mức cao nhất mọi thời đại là 12,9 triệu thùng/ngày trong năm nay và đạt mức trung bình kỷ lục khác là 13,1 triệu thùng/ngày vào năm 2024.
Xung đột Israel - Hamas tác động giá dầu
Bên cạnh đó, giới phân tích lo ngại khả năng nhu cầu dầu thô giảm, đặc biệt là ở Trung Quốc, nơi có những dấu hiệu dai dẳng về nền kinh tế đang suy yếu. Những yếu tố trên khiến dầu thô được dự báo tiếp tục xu hướng giá thấp trong năm 2024. Ngay cả khi OPEC+ có tiếp tục cắt giảm sản lượng thì nhu cầu giảm, cộng với Mỹ vẫn có thể tăng sản lượng khai thác để bù đắp.
Chính vì thế, chiến lược cắt giảm sản lượng của OPEC+ đang có dấu hiệu không đủ sức để đẩy giá dầu lên như ý đồ của nhóm này nên rủi ro nguồn thu thấp càng hiện hữu.
Được thành lập năm 1960, OPEC ban đầu có 5 thành viên: Iran, Iraq, Kuwait, Ả Rập Xê Út và Venezuela. Từ đó đến nay, OPEC đã kết nạp thêm nhiều thành viên. Trong quá trình đó, một số thành viên đã tham gia rồi rút khỏi và tham gia lại.
Sau khi Angola rút lui, OPEC hiện còn 12 thành viên: Algeria, Cộng hòa Congo, Guinea Xích Đạo, Gabon, Iran, Iraq, Kuwait, Libya, Nigeria, Ả Rập Xê Út, UAE, Venezuela.